Với vị trí đắc địa ngay trung tâm xa hoa, sầm uất của thành phố, chợ Bến Thành từ lâu luôn được xem như một “biểu tượng” về văn hoá và là một trong các địa điểm du lịch ở quận 1 nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua nếu có dịp ghé thăm Sài Gòn. Hãy cùng nhau tìm hiểu về ngôi chợ nổi tiếng này thông qua bài viết dưới đây nhé !!!
-
Lịch sử của chợ Bến Thành
Thành được xây dựng xong vào năm 1790, gồm tám cạnh, có chu vi khoảng 4.176 mét và 3 mặt giáp sông, được gọi là thành Bát Quái dựa theo kiến trúc độc đáo của mình.
Trên sông Bến Nghé, gần thành Bát Quái có một bến sông dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, gọi là Bến Thành, tức bến trước khi vào thành. Gần bến này có một khu chợ, vì thế được gọi là chợ Bến Thành, đây cũng chính là khởi nguồn cho cái tên của khu chợ đến ngày nay.
-
Năm 1835, sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi thất bại, vua Minh Mạng cho phá huỷ thành Bát Quái và cho xây dựng một thành nhỏ hơn nằm ở phía đông bắc thành cũ, gọi là thành Gia Định.
-
Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Khi đó, các binh lính người Việt đã phá huỷ chợ Bến Thành để mở đường cho tàu ghe lưu thông trên sông Sài Gòn.
-
Để có nơi buôn bán, năm 1860 người Pháp đã cho dời chợ vào trong, xây mới tại con kênh gọi là Kinh Lớn (là khu vực đường Nguyễn Huệ ngày nay). Việc xây chợ tại con kênh này giúp ghe thuyền buôn bán hàng hoá lưu thông dễ dàng.
-
Đến năm 1911 thì chợ Bến Thành đã cũ kỹ, xuống cấp và nguy cơ bị đổ, vì thế người Pháp quyết định chọn một địa điểm để xây lại chợ Bến Thành thật khang trang, chắc chắn và đẹp hơn.
-
Địa điểm được chọn chính là khu chợ Bến Thành ngày nay. Thời điểm đấy nơi đây là một cái ao sình lầy chen chúc nhà cửa tạm bợ. Chiếc ao này được lấp đi, chợ được xây với bốn cửa lớn nhìn ra 4 mặt đường.
-
Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, đến năm 1914 thì xây xong. Chợ rộng 13.000m2 với nền đất đá ong. Lễ khai thị diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30/3/1914.
Cho đến nay, chợ Bến Thành đã trải qua rất nhiều đợt trùng tu, gần nhất là vào năm 1985.
2.Kiến trúc của chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành ban đầu này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông”. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất. Hàng hóa nước ngoài xuất hiện ở chợ khá nhiều thu hút người dân và người Pháp đến đây mua sắm.
Năm 1860, sau khi được người Pháp dời vào Kinh Lớn, chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7 năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa.
Sau khi được khánh thành vào năm 1914 cho đến nay, chợ Bến Thành gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng, bên trong có rất nhiều gian hàng.
-
Cổng chính Chợ Bến Thành là Cửa Nam, cửa có tháp đồng hồ 3 mặt nổi tiếng, nằm ở đường Lê Lợi, đối diện công viên Quách Thị Trang, thường thu hút rất nhiều du khách check-in tại đây với các gian hàng thô như vải vóc, thực phẩm khô.
-
Cửa phía Đông: nằm trên đường Phan Bội Châu, là nơi hấp dẫn mọi người với các loại bánh kẹo, mỹ phẩm đầy màu sắc.
-
Cửa phía Tây: nằm trên đường Phan Chu Trinh, có nhiều gian hàng bày bán giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm đa dạng...
-
Cửa phía Bắc: nằm trên đường Lê Thánh Tông, là nơi có đủ loại hoa tươi và trái cây miền nhiệt đới níu chân du khách.
Một nét đặc sắc trong kiến trúc của ngôi chợ là trên các cổng đều có những bức phù điêu gốm, mô tả các sản vật của miền Nam với hình con bò, con ngỗng, con cá đuối, nải chuối…
Theo đó, 12 bức phù điêu bằng gốm được gắn lên 4 mặt của chợ Bến Thành từ năm 1952. Tác phẩm này là do họa sĩ Lê Văn Mậu sáng tác và phối hợp chế tác cùng các nghệ nhân gốm của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa theo đơn đặt hàng của nhà thầu chợ Bến Thành.
3. Các gian hàng trong chợ Bến Thành
Với diện tích rộng hơn 13.000m2, chợ Bến Thành có tổng cộng 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, và 11 doanh nghiệp.
Chợ Bến Thành nổi tiếng bởi nơi đây bày bán rất nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, từ thực phẩm đến đồ lưu niệm. Thật không ngoa nếu nói rằng hầu như bạn có thể tìm được bất cứ thứ gì bạn cần ở khu chợ nổi tiếng này. Cùng điểm qua một số địa điểm hấp dẫn tại khu chợ này nha
-
Gian hàng quần áo - phụ kiện: Đến với gian hàng này bạn sẽ bị choáng ngợp bởi độ phủ sóng các mặt hàng thời trang đa dạng các mẫu mã từ A đến Z. Với giá tiền từ thấp tới cao thì bạn có thể xem và lựa chọn cho mình những thứ ưng ý nhất hoặc mua về làm quà cho người thân cũng rất phù hợp.
-
Gian hàng đồ đặc sản khô: Chợ Bến Thành như là nơi tập hợp tất cả các loại bánh mứt, cá mắm khô hay hoa quả với nhiều chủng loại. Bạn sẽ được người bán hàng giới thiệu một cách chi tiết và nhiệt tình về nguyên liệu và cách làm các sản phẩm bày bán của họ. Đây cũng là nơi được nhiều du khách ghé lại để chọn mua những đặc sản về làm quà hay biếu tặng.
-
Đồ thủ công mỹ nghệ: Có rất nhiều món hàng làm bằng thổ cẩm hay đồ gỗ, gốm sứ được bày bán ở chợ. Đó đều là sản phẩm thủ công được làm bằng đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Chắc chắn gian hàng này sẽ làm tiêu hao túi tiền của bạn bởi các sản phẩm đều rất bắt mắt và dễ dàng mang đi nữa.
-
Khu ẩm thực: Khu ẩm thực tại chợ Bến Thành nổi tiếng với vô vàn món ăn ngon nên quả là thiếu sót nếu bạn không đến để thưởng thức chúng. Từ các món chính như bún riêu, cơm tấm, bún mắm, gỏi cuốn, xôi bảy màu,… đến các món tráng miệng, ăn chơi như chè Sài Gòn với nhiều loại chè, bánh bèo, các loại ốc,… đều rất thơm ngon, hấp dẫn mà giá cả cũng khá phải chăng.
4. Địa chỉ của chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành có địa chỉ chính thức là đường Lê Lợi, quận 1, phường Bến Thành, thành phố Hồ Chí Minh. Đối diện chợ là công trường Quách Thị Trang, nay là nhà ga tàu ngầm Bến Thành.
5. Thời gian hoạt động của chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành bắt đầu hoạt động từ 4h sáng cho đến 7h tối. Tuy vậy, sau khoảng thời gian này, bạn cũng có thể thưởng thức không khí nhộn nhịp và các gian hàng đặc sắc của chợ đêm Bến Thành.
6. Lời kết
Với tuổi đời hơn 100 năm của mình, chợ Bến Thành được ví như một “chứng nhân” của thời gian, lặng lẽ ngắm nhìn những thay đổi của Sài Gòn xuyên suốt quá trình phát triển của nó. Tuy có những lúc thăng trầm, thậm chí từng đứng trước tình cảnh suýt phải đóng cửa do dịch Covid, chợ Bến Thành vẫn sẽ mãi là một biểu tượng bất hủ và là hình ảnh không thể thiếu mỗi khi nhắc đến Sài Gòn.